Chiếc bánh khổng lồ 1,8 Tấn, niềm tự hào của dân làng Thượng Đình (Làng nghề truyền “Bánh Dầy Quán Gánh”).
Trưa nay, chiếc bánh dầy khổng lồ đã được dân làng Thượng Đình chở lên Hà Nội, rước quanh hồ Hoàn Kiếm. Sau đó, chiếc bánh được chuyển lên đặt trên đền Thượng tại Đền Hùng. Ngày 9/3 âm lịch (3 ngày nữa), bánh sẽ được chia nhỏ cho những người dự hội.
Đây là chiếc bánh dầy chay (kiểu của Lang Liêu trong truyền thuyết), hình tròn, đường kính 1,8 m, chu vi 5,652 m, diện tích 2,826 m2, nặng 1,8 tấn được làm để tưởng nhớ 18 đời Vua Hùng.
Chiều qua, cả thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây, thình thịch tiếng chày giã bột. Hơn 30 gia đình gấp rút làm chiếc bánh dày khổng lồ nặng 1,8 tấn để dâng lên Vua Hùng trong ngày giỗ tổ. 1,5 tấn gạo ngon đã được mua về từ Hải Dương, chia cho các nhà làm bánh. Khắp thôn xóm, ai cũng bàn tán về sự kiện này.
22h, các chậu bột nếp giã nhuyễn được tập trung tại sân đình. Người già trẻ em tập trung ở đây, ai cũng hồi hộp và háo hức chờ đợi. Đến 23h, bột được đổ vào khuôn. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì chiếc khuôn bằng mica bị nứt vỡ do không chịu được sức nóng của bánh dầy, làm trôi khoảng 2/3 số bột bánh.
Do đó, dân làng phải gia cố lại khuôn và làm thêm bánh bù vào. Trưởng thôn Nguyễn Viết Bình cho biết: “Đây là sự cố không lường trước được, vì khuôn do Sở Văn hoá Hà Nội đặt làm. Chúng tôi sẽ cố khắc phục nhanh chóng và đảm bảo đưa bánh lên Đền Hùng trong ngày hôm nay”. Vì sự cố trên mà cả làng phải lùi giờ rước bánh.
Theo bí quyết của các nghệ nhân làng nghề thì nguyên liệu làm bánh phải là gạo nếp hoa vàng không lẫn tẻ, và giã bột bằng chày (nặng từ 10-15 kg) trên nền phẳng (không có cối). Sau khoảng 30-40 phút giã, kéo bột thấy tơ là được. Thợ làm bánh ở làng cho biết, khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh là mưa xôi (tưới nước khi đang đồ xôi), công đoạn này quyết định độ dẻo và chất lượng của bánh. Theo dự kiến thì 7/3 âm lịch (19/4), mới bắt đầu tiến hành làm bánh, nhưng do Sở Văn hoá thông tin Phú Thọ đề nghị làm sớm hơn nên làng đã thực hiện từ hôm qua.
Việc làm bánh do Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội, Hội bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long Hà Nội và làng bánh dày truyền thống Quán Gánh – Nhị Khê, phối hợp tổ chức. Đại diện của Hội bảo tồn cho biết, ý tưởng này nhằm tôn vinh giá trị làng nghề và nâng cao tính truyền thống tâm linh nhớ về cội nguồn. Kinh phí làm chiếc bánh khổng lồ hoàn toàn lấy từ quỹ từ thiện, không mang tính thương mại nên không hề có “chiếc áo tài trợ” nào.
Kèm theo chiếc bánh dày nặng 1,8 tấn còn có một cặp bánh chưng, bánh dày, mỗi chiếc nặng 18 kg được làm để đưa lên thắp hương tại đền Trung.